Vài suy nghĩ về ca dao hài hước Việt Nam!



Ca dao, dân ca nói chung là một nét văn hóa của người Việt Nam. Ca dao đôi khi là những lời nhắn nhủ yêu thương, tình nghĩa, đôi khi là những thời than thân trách phận, và nhiều lúc lại là những tiếng cười giải trí, thú vị…Mỗi một tiểu loại ca dao lại có một nội dung và vị trí riêng song đều thể hiện, bộc lộ được phần nào cuộc sống của người bình dân xưa.
Ca dao xuất hiện trong những lời ăn tiếng nói hết sức bình thường trong cuộc sống hàng ngày, trong những lời trò chuyện của các bà, các mẹ lúc đi chợ, ra đồng, trong những cuộc thi đối đáp nam – nữ hay trong những lời hát ru…Đời sống, mong muốn, nguyện vọng của người phụ nữ, người nông dân nhiều khi được gửi gắm trong những câu ca dao, dân ca. Đọc ca dao hay chính là “đọc” tâm hồn con người. Ca dao nói chung và ca dao hài hước nói riêng đã làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn, xua tan được phần nào vất vả, lo âu. Tiếng cười trong ca dao hài hước là liều thuốc giải trí hữu hiệu:
Cưới nàng anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ máu họ hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.

Ca dao cũng là những lời mỉa mai, châm biếm sâu cay:
Còn duyên kén cá chọn canh
Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ
Cũng có lúc ca dao hài hước lại là những trách móc nhẹ nhàng :
Chèo ghe xuống biển bắt cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi…
Qua ca dao hài hước, ta thấy phần nào những nét sinh hoạt, văn hóa của người bình dân xưa: những nét sinh hoạt bình dân gắn với cây đa, bến nước, ..Và quan trọng hơn đó chính là thế giới tâm hồn con người: bình dị, tình cảm, sâu sắc, thông minh, hóm hỉnh. Ấy chính là những tiếng cười lạc quan, hóm hỉnh mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan.



0 nhận xét:

Cảm nhận về bài ca dao "Làm trai cho đáng sức trai..."



Về bài ca dao:    
“Làm trai cho đáng sức trai
        Khom lưng, chống gối gánh hai hạt vừng"

Đây là một bài ca dao rất thú vị về người đàn ông trong gia đình. 
Từ bản chất của những người yêu lao động, người bình dân phê phán và chế giễu những kẻ lười biếng mà huênh hoang. Ý nghĩa hài hước toát ra từ hình ảnh đối nghịch : sức dài vai rộng mà lại khom lưng chống gối chỉ để gánh hai hạt vừng. Động tác kia chẳng khác nào mô phỏng hình ảnh các vị chức sắc quan lại chỉ giỏi khom lưng luồn cúi, chống gối quì lụy để tiến thân.
Với nghệ thuật đối lập, phóng đại “khom lưng, chống gối >< gánh hai hạt vừng”, người bình dân đã phê phán, chế giễu những người đàn ông mang tiếng là gánh vác sơn hà nhưng thực tế chẳng khác nào những kẻ yếu hèn, vô công rỗi nghề ăn bám người khác. Thật bất hạnh cho những người vợ lấy phải một ông chồng như thế! 
- Nguyễn Thị Thu- 

0 nhận xét:

Phân tích bài ca dao : "Cưới nàng anh toan dẫn voi..."

Về bài : Cưới nàng anh toan dẫn voi,
Lạc quan là một trong những phẩm chất đẹp đẽ của người dân lao động, nhờ tinh thần lạc quan mà họ có thể vượt lên mọi nỗi vất vả để sống, để cảm thông. Trong những lúc tuyệt vọng nhất, nhân dân vẫn khuyên nhau :
Chớ than phận khó ai ơi,
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Và cũng để thể hiện niềm lạc quan ấy, để cất đi những gánh nặng của lo toan và dẹp đi nỗi tủi hờn của cảnh nghèo, họ đã cất lên tiếng cười vui. Một câu chuyện dẫn cưới trong một cuộc đối đáp vui đùa mà sao nghĩa tình đến thế.
 Cưới nàng anh toan dẫn voi,
……
Để cho con lợn, con gà nó ăn…
Chuyện dẫn cưới là chuyện vui. Câu chuyện vui mà buồn nhưng buồn mà lại vui. Buồn vì chuyện dẫn cưới sao nhiều điều phải suy nghĩ thế. Đó là lẽ thường của người dân nghèo. Nhiều đôi trai gái vì món đồ dẫn cưới quá nặng mà phải đứt gánh giữa đường. Nhưng vui vì câu chuyện dẫn cưới đã được giải quyết một cách rất thông minh. Nó lại trở thành một câu chuyện vui. Chàng trai là chủ thể của phát ngôn thứ nhất, nói về chuyện dẫn cưới của mình :
Cưới nàng anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ máu họ hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.
Sự thật là lễ dẫn cưới đầy đủ theo lệ làng là quá sức đối với anh. Nhưng chàng trai ấy lại rất tự tin và thông minh, anh đưa ra những lí lẽ thật thuyết phục. Vừa giải thích cho lễ dẫn cưới khiêm tốn của mình, vừa thể hiện được anh là người biết quan tâm đến mọi người. Song điều quan trọng hơn là anh đã thể hiện được thái độ trân trọng đối với cô gái. Tất cả những thứ “anh toan dẫn cưới” đều rất lớn. Và anh biết “Cưới nàng…” anh muốn có một lễ cưới xứng đáng. Anh đưa ra những lễ vật ấy để thể hiện sự trân trọng của anh đối với cô gái. Vui, hóm hỉnh và thật kín đáo, người dân lao động đã khôn ngoan khi mượn câu chuyện dẫn cưới vui vẻ ấy để thể hiện sự cảm thông chia sẻ của những người cùng cảnh nghèo.
Lễ cưới tuy nhỏ song vẫn đủ đầy :
Miễn là có thú bốn chân,
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.
Lời nói vui mà ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa. Dẫn cưới bằng con chuột không có nghĩa là coi thường người con gái, anh đã đưa ra đủ lí do rồi.
Đáp lại tấm lòng của chàng trai chân thành ấy, lời của cô gái đầy cảm thông, chia sẻ :
Chàng dẫn thế, em lấy làm sang.
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Trân trọng biết bao lời đối đáp của người con gái. Họ cùng cảnh lao động nghèo nên họ hiểu và cảm thông cho nhau. Họ đến với nhau bằng nghĩa tình.
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
Một lời thách cưới thật bình dân. Thách như thế khôngcó nghĩa là cô không tôn trọng lệ làng. Lời đáp của người con gái thể hiện sự cảm thông, thể hiện tấm lòng và nghĩa tình sâu nặng của cô đối với chàng trai.
Dưới hình thức lời đối đáp vui đùa của thanh niên nam nữ trong những giờ phút nghỉ ngơi, bài ca dao đã thể hiện những quan điểm nhân sinh rất đẹp đẽ. Là tiếng cười tự trào nhưng bài ca dao đã thể hiện quan điểm của người bình dân về hôn nhân, một quan điểm rất tiến bộ. Hôn nhân trên cơ sở cảm thông, trân trọng tình cảm giữa con người đối với con người hơn là tiền bạc vật chất.
Để vượt qua những vất vả tủi cực của cuộc sống nghèo, người dân lao động đã cất lên tiếng hát, tiếng cười. Và đó là tiếng hát tiếng cười đầy nghĩa tình.
- Lại Thị Minh Huệ-


0 nhận xét:

Cảm nhận về bài ca dao "Anh chồng dễ tính"



Về bài ca dao:
Lỗ mũi em mười tám gánh lông,
Chồng yêu, chồng bảo: "Râu rồng trời cho":
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu, chồng bảo: ngáy cho vui nhà".
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu, chồng bảo: "Về nhà đỡ cơm".
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu, chồng bảo: "Hoa thơm rắc đầu'.
  
    Người đàn bà mắc nhiều cái xấu, lỗ mũi đầy những lông, lúc ngủ thì ngáy to, đi chợ thì ăn quà, làm việc thì để rơm rác dính đầy đầu (thủ pháp phóng đại được dùng để tô đậm những cái xấu này). '
Nhưng chúng đều được anh chồng dễ tính (hoặc quá yêu vợ), biến thành tốt đẹp cả. Giả như gặp phải những anh chàng khó tính, thì chị nọ không tránh khỏi những lôi thôi.
   Người chồng ở đây không chỉ dễ tính mà còn vui tính nữa, trước mỗi cái xấu của vợ (mà rất có thể do những người xoi bói chỉ ra), anh ta đều đùa được hóa giải được, khiến các chỉ trích trở nên vô nghĩa. Điều này, ngoài chuyện "Khi yêu trái ấu cũng tròn", còn thể hiện một thái độ bao dung, chấp nhận cái xấu của nhau khi đã làm vợ chồng, của người đàn ông. Cờ thể nói đây là một đức tính tốt; nó tạo không khí hòa thuận và có khả năng cảm hóa cái xấu. Ở mặt trái của vấn đề cũng cần thấy rằng, nếu quá dung túng cái xấu của vợ, sẽ dễ biến vợ thành hư hỏng. 
Ngoài ra, bài ca dao còn hàm ý cười chê những ngưới đàn bà xấu xí lại luộm thuộm, vụng về.


0 nhận xét:

Tổng hợp những bài ca dao hài hước tiêu biểu








  • Bài 1
  • Bà già đã tám mươi tư, 
  •  Ngồi trông cửa sổ gởi thư lấy chồng.
  • Bài 2
  • Bà già đi chợ Cầu Đông, 
  • Hỏi thăm thầy bói lấy chồng lợi chăng? 
  • Thầy bói xem quẻ nói rằng, 
  • Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
  • Bài 3 
  • Chèo ghe xuống biển bắt cua, 
  • Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi.
  • Bài 4 
  • Còn duyên kén cá chọn canh, 
  • Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ
  •  Còn duyên kén những trai tơ, 
  • Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.
  •  Bài 5 
  • Chồng người đánh Bắc dẹp Đông 
  • Chồng em ngồi bếp giương cung bắn gà.
  • Chồng người bể Sở sông Ngô
  • Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần.
  • Chồng người đi ngược về xuôi 
  • Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
  • Bài 6 
  • Gà tơ xào với mướp già
  • Vợ hai mươi mốt chồng già sáu mươi
  • Ra đường, chị giễu em cười
  • Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng
  • Đêm nằm tưởng cái gối bông
  • Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
  • Sụt sùi tủi phận hờn duyên
  • Oán cha trách mẹ tham tiền bán vợ bán con !
  • Bài 7  
  • Hai tay cầm hai quả hồng, 
  •  Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai. 
  • Đêm nằm vuốt bụng thở dài, 
  • Thương chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều 
  • Lỗ mũi mười tám gánh lông
  •  Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho. 
  • Đêm nằm thì gáy o o...
  •  Chồng yêu chồng bảo gáy cho vui nhà 
  • Đi chợ thì hay ăn quà 
  • Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm 
  • Trên đầu những rác cùng rơm 
  • Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu
  • Bài 8  
  • Số cô chẳng giàu thì nghèo
  • Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà.
  • Số cô có mẹ có cha
  • Mẹ cô đàn bà , cha cô đàn ông.
  • Số cô có vợ có chồng,
  • Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.

0 nhận xét: