Phân tích bài ca dao : "Cưới nàng anh toan dẫn voi..."

Về bài : Cưới nàng anh toan dẫn voi,
Lạc quan là một trong những phẩm chất đẹp đẽ của người dân lao động, nhờ tinh thần lạc quan mà họ có thể vượt lên mọi nỗi vất vả để sống, để cảm thông. Trong những lúc tuyệt vọng nhất, nhân dân vẫn khuyên nhau :
Chớ than phận khó ai ơi,
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Và cũng để thể hiện niềm lạc quan ấy, để cất đi những gánh nặng của lo toan và dẹp đi nỗi tủi hờn của cảnh nghèo, họ đã cất lên tiếng cười vui. Một câu chuyện dẫn cưới trong một cuộc đối đáp vui đùa mà sao nghĩa tình đến thế.
 Cưới nàng anh toan dẫn voi,
……
Để cho con lợn, con gà nó ăn…
Chuyện dẫn cưới là chuyện vui. Câu chuyện vui mà buồn nhưng buồn mà lại vui. Buồn vì chuyện dẫn cưới sao nhiều điều phải suy nghĩ thế. Đó là lẽ thường của người dân nghèo. Nhiều đôi trai gái vì món đồ dẫn cưới quá nặng mà phải đứt gánh giữa đường. Nhưng vui vì câu chuyện dẫn cưới đã được giải quyết một cách rất thông minh. Nó lại trở thành một câu chuyện vui. Chàng trai là chủ thể của phát ngôn thứ nhất, nói về chuyện dẫn cưới của mình :
Cưới nàng anh toan dẫn voi,
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ máu họ hàn,
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.
Sự thật là lễ dẫn cưới đầy đủ theo lệ làng là quá sức đối với anh. Nhưng chàng trai ấy lại rất tự tin và thông minh, anh đưa ra những lí lẽ thật thuyết phục. Vừa giải thích cho lễ dẫn cưới khiêm tốn của mình, vừa thể hiện được anh là người biết quan tâm đến mọi người. Song điều quan trọng hơn là anh đã thể hiện được thái độ trân trọng đối với cô gái. Tất cả những thứ “anh toan dẫn cưới” đều rất lớn. Và anh biết “Cưới nàng…” anh muốn có một lễ cưới xứng đáng. Anh đưa ra những lễ vật ấy để thể hiện sự trân trọng của anh đối với cô gái. Vui, hóm hỉnh và thật kín đáo, người dân lao động đã khôn ngoan khi mượn câu chuyện dẫn cưới vui vẻ ấy để thể hiện sự cảm thông chia sẻ của những người cùng cảnh nghèo.
Lễ cưới tuy nhỏ song vẫn đủ đầy :
Miễn là có thú bốn chân,
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.
Lời nói vui mà ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa. Dẫn cưới bằng con chuột không có nghĩa là coi thường người con gái, anh đã đưa ra đủ lí do rồi.
Đáp lại tấm lòng của chàng trai chân thành ấy, lời của cô gái đầy cảm thông, chia sẻ :
Chàng dẫn thế, em lấy làm sang.
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Trân trọng biết bao lời đối đáp của người con gái. Họ cùng cảnh lao động nghèo nên họ hiểu và cảm thông cho nhau. Họ đến với nhau bằng nghĩa tình.
Người ta thách lợn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
Một lời thách cưới thật bình dân. Thách như thế khôngcó nghĩa là cô không tôn trọng lệ làng. Lời đáp của người con gái thể hiện sự cảm thông, thể hiện tấm lòng và nghĩa tình sâu nặng của cô đối với chàng trai.
Dưới hình thức lời đối đáp vui đùa của thanh niên nam nữ trong những giờ phút nghỉ ngơi, bài ca dao đã thể hiện những quan điểm nhân sinh rất đẹp đẽ. Là tiếng cười tự trào nhưng bài ca dao đã thể hiện quan điểm của người bình dân về hôn nhân, một quan điểm rất tiến bộ. Hôn nhân trên cơ sở cảm thông, trân trọng tình cảm giữa con người đối với con người hơn là tiền bạc vật chất.
Để vượt qua những vất vả tủi cực của cuộc sống nghèo, người dân lao động đã cất lên tiếng hát, tiếng cười. Và đó là tiếng hát tiếng cười đầy nghĩa tình.
- Lại Thị Minh Huệ-


0 nhận xét: